Thời gian qua, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ trong công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống lưới điện.
Phương pháp dùng xe nâng cách điện trong việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lưới điện của PC Thừa Thiên Huế
Theo ông Huỳnh Thế Quốc – Đội trưởng Đội hotline PC Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay để thay thế Recloser, LBS hầu như phải cắt điện do kết cấu đấu nối tại Recloser rất phức tạp, luôn phải duy trì dòng tải, việc tháo hạ Recloser rất cồng kềnh, khoảng cách pha – pha rất gần và rất khó khăn khi tiếp cận, đặc biệt khi triển khai sửa chữa trên đường dây đang mang điện 22kV; khi sửa chữa ở các vị trí mà xe chuyên dụng không vào được thì hầu như không triển khai được công tác sửa chữa nóng. Do vậy, để hạn chế thời gian mất điện trong công tác bảo trì, bảo dưỡng lưới điện, đấu nối mới lưới điện bằng phương pháp hotline không mất điện là một yêu cầu bức thiết đặt ra và cần có giải pháp thực hiện để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Qua nghiên cứu, tham khảo, tập luyện thực tế, Đội hotline PC Thừa Thiên Huế đã áp dụng thành công giải pháp thay thế Recloser, LBS không cắt điện, đấu nối bằng phương pháp sử dụng sào cách điện và giàn giá cách điện tại các vị trí xe chuyên dụng không tiếp cận được trên lưới điện thực tế đang vận hành (thay Rec 471/21A Vỹ Dạ, lắp đặt LBS tại vị trí 21/3 ĐZ 22kV tuyến 478-E6 đi Thủy Vân, đấu nối TBA Lý Nam Đế bằng sào và Platform…). Việc triển khai thành công giải pháp trên là nỗ lực lớn của PC Thừa Thiên Huế với mục tiêu áp dụng và khai thác tối đa công nghệ hiên đại, tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian mất điện khi bảo trì, bảo dưỡng, xây dựng mới lưới điện; nâng cao sản lượng cung cấp điện, không làm gián đoạn việc cung cấp điện cho khách hàng, nâng cao uy tín của ngành điện.
Ông Hoàng Ngọc Hoài Quang – Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế cho biết: PC Thừa Thiên Huế là đơn vị đầu tiên ở khu vực miền Trung ứng dụng thành công phương pháp sửa chữa điện nóng trên giàn giá cách điện và sào cách điện. Ưu điểm của phương pháp này là cho phép công nhân tiếp cận, sửa chữa, đặc biệt là việc đấu nối các lưới điện mới, hoặc xử lý các điểm hư hỏng ở những vị trí khó, những nơi mà xe chuyên dụng không thể tiếp cận được. Qua đó, góp phần xử lý nhanh, kịp thời khi có các sự cố xảy ra. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này đòi hỏi công nhân phải có kỹ năng, sử dụng các dụng cụ một cách thuần thục, ông Quang chia sẻ.
“Với tính hiệu quả đó, kế hoạch năm 2019, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đầu tư thêm cho PC Thừa Thiên Huế 1 xe chuyên dụng sửa chữa điện nóng và 1 hệ thống giàn giá. Đồng thời, đơn vị cũng có kế hoạch đào tạo đội ngũ công nhân từ 9 người lên 16 người để đáp ứng 2 đội sửa chữa hotline, đáp ứng nhu cầu trang cấp, thi công không cắt điện, giảm tối đa thời gian cắt điện của khách hàng khi khắc phục sự cố”, ông Quang cho biết thêm.
Hiện nay, thời gian mất điện trung bình của PC Thừa Thiên Huế là khoảng 1.600 phút/khách hàng/năm. Tuy nhiên với lộ trình đến năm 2020 thời gian mất điện của khách hàng về khoảng 280/phút/năm, riêng khu vực TP. Huế 100/phút/năm là một thách thức không nhỏ đối với đơn vị. Việc áp dụng thành công phương pháp sử dụng sào cách điện và giàn giá cách điện tại các vị trí xe chuyên dụng không tiếp cận được là một bước tiến mới trong việc giảm thời gian cắt điện của khách hàng, nâng cao chỉ số đánh giá về năng lực cạnh tranh của ngành điện nói chung và PC Thừa Thiên Huế nói riêng.
Theo: Báo Công thương
;